Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Máy lạnh ô tô/ Điều hòa ô tô: Tại sao Hạt hút ẩm lại chui được ra khỏi phin lọc ga?

Hỏi:  Trong một số bài viết, Mr Tuyền có nêu ra một số trường hợp: hạt hút ẩm chui ra khỏi phin lọc ga, làm tắc một số bộ phận của hệ thống điều hòa như ống dẫn ga, van tiết lưu, dàn nóng, dàn lạnh… dẫn tới hỏng lốc nén. Xin Mr Tuyền cho biết nguyên nhân và cách đề phòng ?

Mr Tuyền: Như đã trình bầy ở một số bài viết trước đây, hiện tượng hạt hút ẩm chui khỏi phin lọc ga, đi vào các bộ phận của hệ thống điều hòa ô tô, gây tắc và dẫn đến hỏng lốc nén không còn là trường hợp hãn hữu.
Như tên gọi của nó, hạt hút ẩm có chức năng hút và lưu giữ lại nước/ hơi nước có trong hệ thống điều hòa ô tô. Hạt hút ẩm dùng cho điều hòa ô tô thường có đường kính  khoảng từ 1,0 đến 2,5 mm và được đặt trong phin lọc ga. Để hạt hút ẩm không  tự do di chuyển trong hệ thống điều hòa, đối với loại phin lọc ga rời,  người ta cho hạt hút ẩm vào  trong một khoang; khoang này được tạo bởi  2 vách thép tròn đột lỗ và lớp sợi ép  - vừa có nhiệm vụ lọc ga vừa  ngăn không cho hạt hút ẩm thoát ra ngoài ( hình 1 ); 



                    Hình 1. Kết cấu phin lọc ga rời
Đối với các xe ô tô đời mới sử dụng loại phin lọc liền với dàn nóng, người ta cho hạt hút ẩm vào trong một cái túi dài làm từ loại vải đặc biệt và được khâu kín 2 đầu ( hình 2 ). Từ các hình chụp cho thấy, vật liệu để ngăn hạt hút ẩm  được làm bằng sợi ép hoặc vải nên vẫn có khả năng bị lão hóa; ngoài ra, độ dầy  của lớp sợi ép / vải lọc tương đối khiêm tốn. 


                   Hình 2. Túi hạt hút ẩm sử dụng cho loại phin liền dàn nóng
Trong thực tế, phần lớn các trường hợp hạt hút ẩm  chui ra khỏi phin lọc, làm tắc các bộ phận, gây hỏng lốc nén…là do phin lọc ga sử dụng quá lâu, không được thay mới, mà cụ thể là: 
-         Lớp sợi ép/ vải lọc, chỉ may túi của phin lọc do sử dụng quá lâu, bị mục nát, mất khả năng chặn hạt hút ẩm chui ra ngoài;
      -     Lượng nước  tích tụ trong  hạt hút ẩm đạt đến mứcgiới hạn, không có khả thu nhận thêm nước và trong trường hợp cá biệt, khi sử dụng loại ga lạnh/ dầu lạnh không đúng chủng loại được nhà sản xuất quy định, hạt  có thể bị vỡ vụn thành bột, chui  qua lớp sợi ép/ vải lọc ra ngoài. 

                     Hình 3. Hạt hút ẩm gây tắc, dẫn đến hỏng lốc nén
Để phòng ngừa hiện tượng hạt hút ẩm chui khỏi phin lọc ga, gây tắc, dẫn đến hỏng lốc nén cần thực hiện một số  việc sau:
-         Thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng theo định kỳ đối với hệ thống điều hòa ô tô
-         Thay mới phin  lọc ga trong các trường hợp sửa chữa, bảo dưỡng phải thay mới ga lạnh hoặc dầu lạnh
-         Đối với xe sử dụng loại phin lọc liền với dàn nóng, khi thay túi  hạt hút ẩm, cần kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật cũng như việc lắp đặt cụm lưới lọc trước khi vặn nắp đậy phin.
Trên đây là một số vấn đề liên quan đến nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa hạt hút ẩm chui ra khỏi phin gây tắc và làm hỏng lốc nén hệ thống điều hòa ô tô, để bạn nghiên cứu, tham khảo


“Bắt bệnh” cho điều hòa xe hơi

 “Bắt bệnh” cho điều hòa xe hơi

 - Hiểu rõ những "bệnh" thường gặp và cách sử dụng hợp lý sẽ giúp các chủ xe tiết kiệm một khoản tiền lớn cho việc sửa điều hòa.

Như các bạn đã biết, mục đích trang bị điều hòa cho xe hơi là để lọc sạch không khí và duy trì nhiệt độ thích hợp bên trong ôtô. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ cách sử dụng và bảo dưỡng hệ thống điều hòa sao cho đúng. Chính việc thiếu kiến thức trong sử dụng và bảo dưỡng điều hòa đã khiến nhiều người tốn kém không ít tiền của cũng như thời gian khi phải đưa xe đến các gara. Sau đây, AutoPro xin gửi tới các bạn một số cách cơ bản để sử dụng và “bắt bệnh” điều hòa.
Nguyên lý hoạt động cơ bản của hệ thống điều hòa

Sơ đồ nguyên lý hoạt động của hệ thống điều hòa xe hơi.
Khi bạn bật hệ thống điều hòa không khí trên xe hơi, chất làm lạnh sẽ được nén ở nhiệt độ cao rồi chuyển đến dàn nóng (bộ ngưng tụ). Tại đây, chất làm lạnh được quạt hạ nhiệt rồi ngưng tụ thành thể lỏng và lưu thông tới phin lọc trước khi phun vào giàn lạnh (bộ bốc hơi) qua van tiết lưu. Cuối cùng, quạt lồng sẽ thổi không khí lạnh vào cabin và môi chất lạnh (gas) lại được hút trở lại máy nén.
Hệ thống điều hòa ôtô luôn có những kẻ thù cần tránh xa hoặc loại bỏ, điển hình như chất ẩm ướt, bụi bẩn, không khí, cao su, mảnh vỡ kim loại và dầu bôi trơn không đúng loại. Phần lớn các yếu tố trên đều gây tắc nghẽn, hình thành axít và làm giảm hiệu suất làm lạnh của điều hòa. Chúng sẽ xâm nhập vào hệ thống điều hòa khi có một bộ phận nào đó bị hỏng hóc hoặc do va đập. Bên cạnh đó, quá trình sửa chữa thiếu kỹ thuật và chính xác cũng là nguyên nhân khiến điều hòa bị “kẻ thù” tấn công.
Khi sử dụng điều hòa lâu ngày, bụi bẩn bám vào lưới lọc và quạt gió, từ đó gây tắc nghẽn khiến hơi lạnh không vào được cabin xe. Trong trường hợp này, bạn có thể giải quyết bằng cách vệ sinh lưới lọc. Qua tham khảo tại một số gara, việc vệ sinh lưới lọc chỉ tốn khoảng 20.000 – 50.000 VNĐ.
Sau khi mở cốp trước và tháo ốc vít...

... bạn sẽ thấy ngay lưới lọc.
Nếu sau khi vệ sinh lưới lọc mà không thấy tiến triển, bạn nên đưa xe tới gara để kiểm tra dây cao áp và dây thấp xem có hoạt động bình thường hay không. Nếu chúng vẫn hoạt động tốt, bạn hãy tiến hành bảo dưỡng dàn nóng/lạnh của hệ thống điều hòa. Chi phí cho việc thay thế dàn nóng/lạnh dao động trong khoảng từ 1,5 – 20 triệu đồng.
Hệ thống điều hòa hoạt động bình thường nhưng không tỏa hơi mát
Vệ sinh lưới lọc, dàn nóng và dàn lạnh cũng là cách giải quyết cho vấn đề này. Nếu vệ sinh mà vẫn không có kết quả, bạn nên nghĩ đến nguyên nhân thiếu môi chất làm lạnh hoặc doăng cao su bị hở. Việc dây đai dẫn động lốc máy lạnh bị trượt là hiện tượng không tránh khỏi khi xe đã sử dụng lâu năm.
Cách khắc phục phù hợp là thay dây đai hoặc nạp thêm chất lạnh cho hệ thống điều hòa. Giá thành cho việc nạp môi chất lạnh bắt đầu từ 150.000 – 200.000 VNĐ. Trong khi đó, nếu nạp lại toàn bộ môi chất lạnh, bạn sẽ phải chi số tiền khoảng 300.000 – 400.000 VNĐ.
Trong trường hợp xấu nhất, bạn sẽ phải thay hệ thống máy nén. Giá bán của một chiếc máy nén cũ đã qua sử dụng dao động từ 2 – 5 triệu đồng. Máy nén mới có giá bán thay đổi tùy theo từng loại xe khác nhau, từ 5 triệu đối với ôtô bình dân cho đến vài chục triệu cho một chiếc xế hộp hạng sang.
Hệ thống điều hòa bốc mùi khó chịu
Có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng điều hòa bốc mùi khó chịu, bao gồm bụi bẩn trên lưới lọc, quạt gió và thói quen hút thuốc lá, ăn uống trong xe hoặc mồ hôi bám khắp nơi. Bạn nên tiến hành vệ sinh lưới lọc và cabin bằng hóa chất chuyên dụng để triệt tiêu hiện tượng này.
Sử dụng điều hòa hợp lý và đúng chế độ không những giúp bạn đảm bảo sức khỏe, kéo dài tuổi thọ các thành phần điện mà còn tiết kiệm xăng đáng kể.
Bật tắt công tắc A/C hợp lý

Công tắc A/C
Khi bạn bật công tắc A/C, hệ thống làm lạnh sẽ lập tức hoạt động. Tuy nhiên, hãy nhớ chỉ bật công tắc trên sau khi đã khởi động máy và tắt đi trước khi ngắt động cơ. Thêm vào đó, đừng bật chế độ làm lạnh cao ngay khi xe vừa di chuyển vì làm như vậy, xe phải chịu tải lớn hơn và gây hư hại bình điện. Hơn nữa, cần đảm bảo các cửa kính đã được đóng kín để tránh lãng phí hơi lạnh ra bên ngoài và tiêu tốn nhiên liệu.
Chọn chế độ tùy thuộc vào môi trường bên ngoài
Bạn nên sử dụng điều hòa tuần hoàn (gió trong) khi di chuyển trong thành phố, nhất là tại Việt Nam vì môi trường có nhiều khói bụi. Nếu sử dụng chế độ điều hòa tự nhiên (gió ngoài), màng lọc và dàn lạnh phía đầu xe sẽ hút bụi bẩn hoặc thậm chí cả xác côn trùng, từ đó gây ảnh hưởng đến lượng nhiệt lạnh sinh ra trong cabin.

Chọn chế độ điều hòa phù hợp với môi trường bên ngoài.
Tại Việt Nam, khi đi đường dài, bạn nên sử dụng thêm gió ngoài để giúp người ngồi trong xe thoải mái và dễ thở hơn.
Ngoài ra, khi di chuyển xe trong điều kiện trời mưa, bạn nên sử dụng gió trong để tránh tình trạng không khí ẩm lọt vào và gây đọng nước trong cabin. Nếu thấy hiện tượng kính bị mờ làm giảm tầm nhìn, lập tức bật A/C chế độ sấy kính. Nếu đi qua vùng ngập hay vũng nước, hãy tắt hệ thống điều hòa đồng thời hạ kính để tránh tình trạng quạt điều hòa bị kẹt bởi rác bẩn và gây hiện tượng cháy cầu trì. Hơn nữa, bụi bẩn sẽ bít nghẽn lưới lọc và van tiết lưu, từ đó tạo chất phản ứng sản sinh axít gây mài mòn.