Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Phòng tránh thoái hóa máy lạnh ôtô - Mr Tuyền 0987 667 665


 Cũng như bất cứ một sản phẩm vật chất nào khác, sự thoái hóa của hệ thống máy lạnh dĩ nhiên là một điều không thể tránh được.

Nhưng, cũng như bất cứ một sản phẩm vật chất nào khác, nếu không biết cách săn sóc và bảo trì đúng mức, thì sự thoái hóa đó chắc chắn sẽ đến, và gõ vào túi tiền của chúng ta sớm hơn. Bài viết lần trước có đề cập đến một vài phương thức săn sóc bảo trì, rõ ràng là không khó, ai cũng có thể làm được. Cái khó chỉ là do không nhớ để làm mà thôi. Hôm nay, chúng ta sẽ đề cập một vài dấu hiệu tiêu biểu, cho thấy hệ thống đã có trục trặc. Nhưng trước hết, để có thể hiểu những trục trặc đó ở đâu ra, xin có một vài lời về sự vận hành của hệ thống.
Sơ đồ hệ thống máy lạnh: 1- bộ nén khí; 2- bộ kết tụ; 3- Cổng thoát; 4 - Biến hơi; 5- Máy lọc.
I. Sự vận hành hệ thống lạnh:
Ngồi trong xe, hưởng bầu khí mát mẻ dễ chịu, giữa một không gian nóng nảy như hỏa lò ở bên ngoài, ít ai nghĩ đến những gì đang xảy ra trong lòng chiếc xe để sau cùng có được kết quả đầy nhiệm màu ấy. Thực ra, nguyên lý của “phép màu” không có gì phức tạp, đó chỉ là kết quả của sự bay hơi nước, giống như mồ hôi bay hơi khi gặp gió, cho chúng ta cảm giác thoải mái trên da thịt, và khô hết... mồ hôi. Ðúng ra, phải nói rằng cơn gió tạo ra sự “cọ xát” biến đổi mồ hôi từ chất lỏng sang chất khí, cho chúng ta cảm giác dễ chịu trong tiến trình biến đổi đó.
Hệ thống máy lạnh xe hơi cũng gần giống vậy: Người ta bơm vào đó một chất lỏng, tạo điều kiện cho nó biến thành chất khí, hút lấy nhiệt và tạo sự mát mẻ dễ chịu cho chúng ta. Nhưng không giống như... mồ hôi, cái chất khí ấy quí lắm, nó thực sự biến thành hơi nhưng không thể để cho bay đi mất, nên người ta phải chế ra một qui trình khép kín để ép nó quay về, nén cho thành chất lỏng để tiếp tục sự phục vụ cho đến... đời đời, nếu chính chúng ta không dại dột để cho nó rò rỉ đi mất.
Cái chất ấy, có lúc ở thể khí có lúc ở dạng lỏng, được gọi là chất Sinh Hàn (Refrigerant), luân chuyển trong một hệ thống, bao gồm những bộ phận sau đây:
1. Bộ nén khí (Compressor): Ðược nối với trục máy bởi một dây kéo (drive belt), để khi trục máy vận hành thì bộ nén khí cũng quay theo. Khi chúng ta đưa tay vặn nút máy lạnh thì khí sinh hàn được chuyển vào bộ phận này, nén dưới một áp suất rất cao, rồi chuyển sang bộ phận kết tụ,
2. Bộ kết tụ (Condensor): Tại đây, khí sinh hàn kết thụ thành chất lỏng, hưởng gió mát từ ngoài trời thổi vào để xả bớt độ nóng đã tích lũy trong quá trình khí sinh hàn bị nén dưới áp suất rất cao trước đó.
3. Cổng thoát (Expansion Valve): Chất lỏng sinh hàn thoát qua cổng này, gặp một môi trường áp suất thấp, trở thành thể khí.
4. Biến thành hơi (Evaporator): Khí sinh hàn len lỏi qua các đường dẫn ở bộ phận bay hơi khép kín, phát sinh hơi mát, được một cánh quạt thổi vào lòng xe, biến cái xe thành một “ốc đảo thần tiên” di động giữa không gian hòa lò hừng hực hơi nóng bên ngoài. Ði hết các đường ống quanh co, luồng khí sinh hàn lại ra tới cổng thoát, trở về bộ nén... để tiếp tục qui trình phục vụ.
5. Máy lọc: Ngoài ra, các kỹ sư còn đặt thêm bộ phận Drier (5) để thanh lọc bọt khí và các chất ô nhiễm ra khỏi dòng sinh hàn trước khi cho nó đi qua cổng thoát để vào bộ phận “biến hơi.”
II. Dấu hiệu trục trặc:
Với một qui trình làm việc như trên, hệ thống máy lạnh được bảo toàn trong một vòng tròn khép kín, có tiềm năng làm việc đời đời... nếu nó không bị rã mục theo qui luật của vật chất hoặc do sự lơ đãng, sự hành hạ của chủ xe.
Trung bình chất sinh hàn trong xe bị hao hụt khoảng 15% một năm, phần lớn là do sự “không sử dụng” trong những tháng mùa Ðông. Là vì, khi không sử dụng các mối hàn trong hệ thống dễ bị rỉ mục và rữa nát. Thêm vào đó, trong lúc di chuyển, chiếc xe bị rung lắc khá nhiều, khiến các đường ống bị rung lắc theo, các “vòng nhẫn” ở các đầu nối, mối hàn... co giãn vượt quá khả năng đàn hồi rốt cuộc sẽ bị nứt, dẫn đến tình trạng rò rỉ... Sau đây là những dấu hiệu cần để ý:
1. Dấu hiệu gián tiếp:
- Ướt nền xe sau khi dùng A/C - Ðậu xe ban trưa sau khi đi ăn về, chiều ra mở cửa xe thì thấy nền xe ướt nhẹp. Ðó là do hơi nước kết tủa trong bộ phận “biến hơi” (Evaporator) lẽ ra phải được chuyền vào đường ống thoát, rồi chảy xuống sân. Nhưng sân không ướt mà sàn lại ướt, cho thấy đường thoát nước đã bị nghẹt, hoặc vỡ.
 
Bình xịt chống nấm mốc vi khuẩn phát triển trong hệ thống AC.
- Xe rung hoặc tiếng ồn bất thường mỗi khi mở máy lạnh: Có thể do máy thổi (blower) bị nghẹt hoặc xui xẻo hơn, do máy nén (Compressor) bị hư. Máy nén là bộ phận đắt tiền nhất, sự trục trặc trong máy nén có thể ảnh hưởng tai hại tới các bộ phận khác trong hệ thống AC.
- Mùi ẩm mốc trong lòng xe: Cùng với tuổi tác của cái xe, hoặc do hệ thống AC không được sử dụng thường xuyên, các loại vi trùng, nấm mốc bắt đầu phát triển chung quanh các đường ống Evaporator, phát sinh mùi ẩm mốc khó chịu, gây nhức đầu hoặc cảm giác ngầy ngật như sắp bị cảm cúm cho người ngồi trong xe. Hiện tượng này không phải là hiếm, đến nỗi người ta đã gọi nó bằng một tên phổ thông là “Sick Car Syndrome” (Hội chứng xe bịnh). Phản ứng đầu tiên của chủ xe là đặt thêm các bình dầu thơm (air freshener) trong xe. Làm như vậy thì lừa được... cái mũi, nhưng bao nhiêu vi trùng, vi khuẩn vẫn còn đó. Mặc dầu tương đối dễ trị, nhưng hiện tượng này cần phải đối phó bằng một biện pháp mạnh tay hơn: Bạn có thể mua các loại thuốc anti-bacteria đặc chế để xịt vào trong các khe thoát gió (vent) hoặc triệt để hơn nữa, phải đưa xe đến những nơi chuyên trị máy lạnh để có một “anti-bacteria treatment” đúng mức...
2. Dấu hiệu trực tiếp:
Bây giờ thì không chỉ là dấu hiệu mà rõ ràng hệ thống AC đang trục trặc, bởi vì mặc dầu đã vặn mở tới mức tối đa, bạn chỉ cảm thấy mát rất ít, hoặc tệ hơn, chẳng thấy mát gì cả.
Hiện tượng đó xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân:
- Trước hết là do bộ phận Compressor không hoạt động, do dây kéo (drive belt) nối với trục máy bị lỏng hoặc bị đứt.
- Cổng thoát (Expansion Valve) bị hư, nghẹt.
- Ống dẫn khí nghẹt.
- Chất sinh hàn hao ngót do rò rỉ...
Chờ đến khi thấy dấu hiệu bất thường hoặc hệ thống đã trục trặc thì chúng ta chẳng còn có thể làm gì được nữa, trừ việc mang xe đến cho thợ chuyên môn “chẩn mạch” và tìm phương thức chữa trị. Nó đã vượt ra khỏi tầm tay của giới bình dân.
Nhưng là người trực tiếp móc túi chi trả mọi tốn kém, chúng ta phải bằng mọi giá kéo dài sự hữu dụng của chiếc xe và những tiện nghi của nó. Giới chuyên gia đề nghị chúng ta nên nhờ thợ chuyên môn coi lại hệ thống máy lạnh mỗi 2 năm một lần để kịp thời chấn chỉnh những khiếm khuyết trước khi chúng trở thành các vấn nạn lớn, đòi hỏi những sửa chữa tốn kém hơn. Bảo trì xe nói chung, và săn sóc hệ thống máy lạnh nói riêng là một việc chúng ta có thể làm được và chỉ chúng ta mới có thể làm được mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét